A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh dại khi bị chó cắn

Ở Lạng Sơn cũng như các tỉnh thành trên toàn quốc, bệnh dại đang lưu hành và phát triển. Nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo.

Ở Lạng Sơn cũng như các tỉnh thành trên toàn quốc, bệnh dại đang lưu hành và phát triển. Nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo.

 

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn

 

Bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Sau đó, vi rút dại sinh sản rất nhanh và sẽ hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.

Nếu chẳng may bạn bị chó cắn, mèo cào có cần tiêm phòng không? Đây là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn, tuy nhiên trên thực tế nói chung, người bị chó cắn đều nên tiêm phòng càng sớm càng tốt. Khi đã bị chó cắn, việc sơ cứu là cực kỳ quan trọng, phải xử lý vết thương ngay lập tức để giảm nguy cơ nhiễm vi rút như bệnh dại, nhiễm trùng khác đe dọa đến tính mạng. Các bước xử lý như sau:

Vệ sinh vết thương: Điều quan trọng trước tiên xem xét vị trí vết thương, cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, rồi tiến hành rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch ít nhất là 5 phút để loại bỏ tất mầm bệnh, kể cả vết thương chỉ trầy xước da, rửa nhẹ nhàng không chà xát mạnh. Theo đó, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn 70 độ hoặc dung dịch khử khuẩn sát trùng vết thương. 

Băng vết thương: Dùng gạc y tế hoặc vải sạch băng vết thương và băng hờ lại, tránh băng kín vết thương (vừa phải, không quá chặt).

Đến cơ sở y tế tiêm phòng dại ngay: Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó cắn. 

Trước khi tiêm vắc xin phòng ngừa dại, bệnh nhân cần xác định đã tiêm vắc xin uốn ván trước đó chưa, nếu chưa bắt buộc bạn phải tiêm phòng vắc xin giải độc uốn ván trước rồi mới tiêm phòng bệnh dại.

Thứ hai, tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại là mũi tiêm bắt buộc sau khi bị bất cứ loài động vật nào cắn, được gọi là phơi nhiễm (PEP) trong các trường hợp sau: Nếu vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu; Nếu màng nhầy ở vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại; Nếu bị cắn bởi loài vật có hành vi không bình thường, bị chết hoặc kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật nghi dại cho kết quả dương tính.

Ngoài ra, người bị chó cắn có thể được tiêm huyết thanh kháng dại nếu vết cắn nằm ở đầu, mặt, cổ, vết thương ở các vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu ngón tay, đầu ngón chân, bộ phận sinh dục, vết thương sâu và nhiều.

Lưu ý: Không cố gắng nặn máu; không chà sát vết thương, tránh làm vết thương bầm dập tổn thương lây lan vi rút nhanh hơn; không đắp bất cứ loại lá nào lên vết thương; không chữa dại bằng thuốc Đông y, thuốc Nam hoặc thuốc không rõ nguồn gốc; không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày. 

Những điều cần biết trong cách phòng, chống chó dại cắn

Loại bỏ bệnh dại ở chó: Hơn 90% trường hợp bệnh dại xảy ra là từ chó nhà, mèo. Do đó, điều quan trọng và cơ bản nhất để phòng bệnh dại là trước hết phải tiêm vắc xin ngừa bệnh dại cho thú cưng (chó, mèo…). Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Việc tiêm vắc xin cho chó là chiến lược tiết kiệm chi phí và hiệu quả nhất để ngăn chặn bệnh dại ở người và bảo vệ cả vật nuôi.

Phòng tránh chó cắn: Gia đình cần rọ mõm, xích chó lại khi dắt ra đường. Nếu gặp chó dữ, bạn đừng bỏ chạy vì đánh thức bản năng săn mồi của chó. Bạn đứng yên, 2 tay để hai bên tư thế giống một cái cây và nhìn đi nơi khác, nhiều con chó sẽ mất hứng thú vì bị phớt lờ. Nếu vật nuôi bắt đầu cắn bạn, bạn phải tự vệ bằng cách đánh hoặc đá vào cổ họng, mũi và gáy của chó làm nó choáng và bạn có thời gian chạy thoát. Dùng toàn bộ trọng lượng cơ thể đè lên con vật, dùng đầu gối, khuỷu tay ấn mạnh xuống. Đối với gia đình có trẻ nhỏ, cha mẹ cần để mắt trông chừng trẻ, nhất là những bé ở độ tuổi chập chững biết đi. Không để trẻ đùa giỡn, kéo đuôi chó mèo…

Nâng cao nhận thức về bệnh dại: Nâng cao nhận thức từng người của cộng đồng để tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi, tăng cường nhận thức về nguy hiểm của vi rút gây bệnh dại sẽ hạn chế tỷ lệ tử vong. Đồng thời, mỗi gia đình khi nuôi thú cưng, nhất là chó nhà phải tuân thủ luật pháp về việc phòng tránh nguy cơ chó cắn người, nắm kiến thức sơ cứu khi bị chó cắn…

          Tại Lạng Sơn, ngày 05/01/2024 ghi nhận 01 bệnh nhân nam 42 tuổi, trú ở thôn Bản Mới, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân bị chó cắn vào mông, chảy ít máu trong ngày 23/10/2023, không đi tiêm vắc xin phòng dại. Đến 01/01/2024 xuất hiện dấu hiệu bất thường. Vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cấp cứu ngày 04/01/2024 trong tình trạng sợ gió, lạnh, ánh sáng, tăng kích động, muốn ở trong bóng tối và tử vong ngày 05/01/2024. 

Bệnh dại hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy, sau khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời.

                                                                                        Phạm Tiến Dũng – TT KSBT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 17
Hôm qua : 51
Tháng 04 : 690
Tháng trước : 671
Năm 2025 : 2.567