Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Ung thư 4/2/2024
Ngày Thế giới phòng, chống Ung thư là một sự kiện toàn cầu được tổ chức vào ngày 4/2 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư, cách phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh. Sáng kiến này do Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế (UICC) thực hiện để vận động và hỗ trợ các mục tiêu của Tuyên bố Ung thư Thế giới được đưa ra vào năm 2008.
Ngày Thế giới phòng, chống Ung thư là một sự kiện toàn cầu được tổ chức vào ngày 4/2 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư, cách phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh. Sáng kiến này do Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế (UICC) thực hiện để vận động và hỗ trợ các mục tiêu của Tuyên bố Ung thư Thế giới được đưa ra vào năm 2008.
Tặng quà cho bệnh nhân tại Khoa HSCC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm ước tính thế giới có thêm 14,1 triệu ca bệnh nhân mắc ung thư và 8,2 triệu người chết vì căn bệnh này, trong đó có đến hơn 4 triệu người chết trẻ chỉ trong độ tuổi từ 30 – 69 tuổi, nếu không được kiểm soát thì đến năm 2025 con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 19,3 triệu ca bệnh nhân ung thư mới và đến hơn 11,5 triệu người có thể tử vong vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư có xu hướng tăng. Trung bình hàng năm có thêm 200.000 ca bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư mới và có hơn 70.000 trường hợp tử vong; số người chết vì ung thư tại Việt Nam chiếm đến 73,5% tổng số người bệnh. Điều đáng nói là hơn 70% trường hợp ung thư được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Về tỷ lệ mắc mới đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm. Việt Nam có 5 loại ung thư phổ biến nhất, bao gồm: ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất (14,5%), tiếp đến là ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%)…
Ung thư là gì? Bệnh ung thư (còn được gọi là bệnh ác tính) là tập hợp các bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát (tăng sinh) tạo thành một khối u ác tính. Các tế bào ung thư có thể đi theo hệ thống mạch máu, mạch bạch huyết đến xâm lấn và phá hủy các phần khác của cơ thể (gọi là di căn).
Ung thư có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể. Có khoảng hơn 200 loại ung thư đã được phát hiện bởi các nhà khoa học. Tên của các bệnh lý ung thư được đặt theo vị trí của cơ quan khởi phát ung thư cũng như đặc trưng của bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư? Theo như nghiên cứu của các chuyên gia y tế, có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có 3 nhóm chính như sau:
Nhóm 1: Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm không khí, khói bụi, khói thuốc lá, thuốc trừ sâu, mùi nhân tạo,....; Ô nhiễm đất, nguồn nước; biến đổi khí hậu xuất hiện nhiều tia bức xạ, chất phóng xạ, khí độc; gây ra các loại virút, vi khuẩn có độc lực cao.
Nhóm 2: Chế độ dinh dưỡng: Thói quen ăn uống của người Việt Nam rất thích ăn đồ sống, đồ nướng, chiên,...; Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, thực phẩm có tồn dư nhiều hóa chất độc hại; thức ăn bị thiu mốc, thức ăn quá hạn sử dụng, thức ăn để tủ lạnh lâu ngày không đảm bảo chất lượng,... khiến chất độc tích tụ trong cơ thể và có khả năng tấn công tế bào gây biến đổi gen.
Nhóm 3: Do cường độ lao động cao: Những người làm việc trong môi trường cường độ lao động cao tiếp xúc với chất độc hại, hóa chất, phóng xạ,... nhưng không được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ.
Ung thư từ ngàn xưa đến nay, vẫn luôn là nỗi sợ hãi của mọi người. Tuy nhiên không phải loại ung thư nào cũng gây chết người, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời thì có các loại ung thư dễ chữa khỏi như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư tinh hoàn, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư da, ung thư tuyến giáp, ung thư vòm họng, ung thư hạch. Thêm nữa, những năm gần đây, điều trị ung thư tiến bộ vượt bậc với các phương pháp điều trị tân tiến, kỹ thuật và thuốc mới được nghiên cứu, giúp điều trị thành công rất nhiều người bệnh.
Lời khuyên phòng ngừa bệnh ung thư: Ung thư không từ một ai, tùy vào loại ung thư nào mà ưu thế xuất hiện ở trẻ em, người lớn tuổi, nam hoặc nữ và càng ngày ung thư càng xuất hiện ở người trẻ. Nên việc phòng ngừa đúng cách và sống lành mạnh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, mỗi người nên thực hiện những khuyến cáo dưới đây:
Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích ....
Có chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp: ăn nhiều rau, quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc hỏng, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng ....
Hạn chế tiếp xúc với các môi trường có các yếu tố độc hại như hóa chất, tia cực tím, phóng xạ,... Nếu phải tiếp xúc, cần sử dụng đồ bảo hộ để bảo vệ sức khỏe.
Xây dựng chế độ tập luyện; nghỉ ngơi hợp lý; giữ tinh thần thoải mái, tích cực.
Thực hiện tiêm chủng đầy đủ: viêm gan siêu vi B; tiêm phòng ung thư cổ tử cung HPV…
Định kỳ tầm soát phát hiện sớm có vai trò quan trọng với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể và chi phí tốn kém rất nhiều.
Phạm Tiến Dũng – TT KSBT