A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh bạch hầu: Không được chủ quan

Bệnh Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Bệnh bạch hầu là bệnh rất nguy hiểm vì có khả năng gây biến chứng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, đồng thời có khả năng gây thành dịch. Vì vậy, cần hết sức chú ý phòng bệnh và tuyệt đối không được chủ quan. Bạch hầu có thể phòng ngừa hiệu quả nếu tiêm phòng vắc xin bạch hầu đủ liều, đúng lịch.

 

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

 

Theo Bộ Y tế, thông tin báo cáo từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Theo đó, đã có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân tử vong do bạch hầu trong đó có 01 trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên. Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, không để lây lan kéo dài, trên diện rộng.

Tại Lạng Sơn, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tính từ 01/01/2024 đến 09/7/2024 chưa có trường hợp nào mắc bệnh Bạch hầu. Tuy nhiên, không được chủ quan. Các tỉnh liền kề đã xuất hiện ca bênh thì tỉnh Lạng Sơn cũng có nhiều nguy cơ nên chúng ta cần tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu. 

Sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Mắc bệnh bạch hầu là do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn này có loại độc tố cực kỳ mạnh có khả năng gây nên các thể bệnh như bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản do chất giả mạc che kín thanh quản làm cho bệnh nhân không có không khí để thở gây suy hô hấp cấp và có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời, vì vậy, người ta ví bệnh bạch hầu thanh quản như kiểu chết đuối trên cạn. Một thể bệnh bạch hầu không kém phần nguy hiểm là bạch hầu cấp gây viêm cơ tim cấp, suy tim cấp do độc tố của chúng, nếu chủ quan, phát hiện muộn, không khẩn trương cấp cứu, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu

Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu rất dễ dàng, đó là lây theo đường hô hấp do người bệnh, người lành mang vi khuẩn bạch hầu, nói, ho, hắt hơi… bắn vi khuẩn vào không khí theo hơi thở và theo các giọt nước bọt nhỏ li ti, khi người lành hít phải, nếu chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt là trẻ em sẽ mắc bệnh bạch hầu, ngay cả người lớn. Vi khuẩn bạch hầu còn lây lan bởi các dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ, nếu một trẻ mắc bệnh, dùng đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt, không khí trong nhà ở, lớp học (nếu trẻ đến lớp) sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu, khi trẻ em lành sử dụng các đồ chơi, dụng cụ đó hoặc hít không khí trong phòng có lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu sẽ bị nhiễm bệnh.

Nhận biết bệnh bạch hầu: Có 3 thể cơ bản 

Bạch hầu họng, mũi (hay gặp nhất): Ở loại này thời kỳ ủ bệnh khoảng vài ba ngày, sau đó có sốt, sổ mũi, viêm họng, nuốt vướng, sau vài ngày sẽ xuất hiện màng trắng ngà (giả mạc), xám, dai, dính chặt vào niêm mạc họng, Amiđan rất khó bóc tách, nếu cố bóc tách sẽ chảy máu. Giả mạc phát triển rất nhanh ở Amiđan. Người bệnh có biểu hiện nhiễm độc tố (da xanh tái, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp giảm). Nếu được điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi, nếu không phát hiện và điều trị ngay, loại này sẽ tiến triển thành loại bạch hầu thanh quản.

Bạch hầu thanh quản: do niêm mạc bị bao phủ bởi một lớp giả mạc gây khó thở cấp, dẫn đến suy hô hấp (thường ví là chết đuối trên cạn).

Bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp): xuất hiện ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, thứ 3, với các triệu chứng sốt cao (39 – 400C) mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên Amiđan, hơi thở hôi, hạch góc hàm sưng to, đau làm cổ bạnh ra. Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, rối loạn nhịp tim, khó thở, khàn tiếng, huyết áp tụt, mạch rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời có thể bệnh trở nên nguy kịch đe dọa tính mạng  và có thể dẫn đến tử vong.

Cách phòng bệnh bạch hầu:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

          2. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.

          3. Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi.

          4. Vệ sinh miệng, mũi, họng hằng ngày.

          5. Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học,… đảm bảo thông thoáng.

          6. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ bệnh.

          7. Phát hiện, cách ly đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời.

          8. Người dân trong ổ dịch, người đã tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

                                                          Phạm Tiến Dũng - TTKSBT

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 18
Hôm qua : 51
Tháng 04 : 691
Tháng trước : 671
Năm 2025 : 2.568