A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trách nhiệm với rác thải nhựa

Nước ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, hàng ngày có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta  đều cũng đều dùng đến các sản phẩm từ nhựa. Túi nilon được dùng nhiều nhất tại các chợ và các cửa hàng bán lẻ và sau đó đưa về các hộ gia đình. Do nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân nên lượng túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường gia tăng mỗi ngày. Theo thông tin từ trang Web VnEconomy, bình quân một hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kilogam túi nilon mỗi tháng.

 

Trẻ em Khu đô thị Phú Lộc 4 Thành phố Lạng Sơn mang theo giỏ khi mua hàng

 

Chị Nguyễn Thị Quyên, chủ một cửa hàng bán rau củ ở đường Lê Đại Hành, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, tháng nào chị cũng phải mua vài kilogam túi nilon to, nhỏ các loại để đựng rau, củ cho khách hàng, đa số khách mua hàng đều bảo chị đưa túi  để họ cho rau, củ vào. Những ngày gần đây, đã có một số khách hàng tự mang làn, xô hoặc túi đựng và họ không lấy túi nilon mới khi mua hàng. Chị rất mừng vì số tiền hàng tháng chị phải bỏ ra để mua túi nilon đựng hàng cho khách đã giảm.

Theo anh Chu Khôi, người bán thịt bò ở đường Lương Thế Vinh, Khu đô thị Phú Lộc 4, thành phố Lạng Sơn thì một số người nội trợ khi đến mua thịt của cửa hàng thường xuyên mang theo bát hoặc hộp đựng từ nhà và có sẵn túi hoặc làn để xách hoặc treo lên xe mang về. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khách hàng không mang gì theo để đựng nên anh vẫn phải  lấy túi nilon cho khách mang thực phẩm về.

Tại những quán bán hàng ăn sáng như quán bánh cuốn, quán bún, phở …ở các địa bàn trong tỉnh, đã có nhiều người tự mang bát, đĩa, cặp lồng… đựng thức ăn mua về. Tuy nhiên, việc những thực phẩm chín vừa mới chế biến xong còn đang nóng hổi lại được đựng vào những chiếc túi nilon hoặc hộp xốp mang về không phải là hiếm thấy. Mặc dù sự nguy hại của thực phẩm nóng đựng trong túi nilon  đã được cảnh báo nhiều lần xong có lẽ vì sự tiện lợi của túi nilon hoặc do ngại mang bát, hộp đựng… từ nhà đi, nên người mua, người bán vẫn cứ thế cho vào những bao bì nguy hiểm mang về cho chính người nhà, người thân, trẻ nhỏ hoặc thậm chí là người ốm trong gia đình của họ sử dụng. Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm -  Bộ Y tế, túi nilon tái chế có thể chứa dư lượng kim loại nặng như chì, cadimi; hộp xốp (ESP) nếu không đạt chuẩn có thể giải phóng styrene khi tiếp xúc thực phẩm nóng và có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.

          Do giá trị thấp như bao bì, túi nilon, nhựa sử dụng một lần…không được tái chế, những sản phẩm này được đổ ra bãi rác chôn lấp, hoặc thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi  trường. Liên Hợp Quốc và các nước trên thế giới đã có các chương trình hành động vì môi trường trong bối cảnh rác thải nhựa ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở những nước mà môi trường bị ô nhiễm và tỉ lệ mắc ung thư ở  mức cao.  Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2025 có chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution) tiếp tục là lời kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã có một số quán bán hàng ăn sáng trong chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa, đường Lý Thường Kiệt, đường Bông Lau… sử dụng lá chuối, lá dong… để gói thực phẩm cho khách mua về. Cửa hàng San Linh đường Nhị Thanh phát túi giấy cho khách mua quần áo, giày dép… Cửa hàng bán lẻ Tokyo Life  ở đường Trần Đăng Ninh thu phí 2 ngàn đồng mỗi túi nilon  phát cho khách hàng để khuyến khích người dân tự mang theo túi có thể sử dụng nhiều lần khi đi mua hàng. Những mô hình cửa hàng không sử dụng hoặc hạn chế sử dựng túi nilon như vậy cần được nhân rộng.

 Để giảm thiểu rác thải nhựa, cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa. Những hành động nhỏ của từng người như hạn chế sử dụng túi nilon, tự mang mang làn, giỏ, túi đựng khi đi mua sắm, kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa, chọn hộp nhựa có biểu tượng an toàn như biểu tượng chén đĩa hoặc “food contact safe”, sử dụng chai và lọ thủy tinh thay vì nhựa, ưu tiên mua sản phẩm đựng trong hộp giấy thay vì hộp nhựa dùng một lần… sẽ đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống rác thải nhựa. Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân  để bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.

Minh Anh – TTKSBT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 32
Tháng 07 : 468
Tháng trước : 795
Năm 2025 : 4.777