Những điều cần biết bệnh Đái tháo đường
Đái tháo đường(ĐTĐ) là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh đủ insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Ngoài ra, một số người bị ĐTĐ còn có nguyên nhân là do các bệnh nội tiết khác, hoặc do thuốc và hoá chất ... Tăng glucose máu mãn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược các cơ quan của cơ thể
Đái tháo đường(ĐTĐ) là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh đủ insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Ngoài ra, một số người bị ĐTĐ còn có nguyên nhân là do các bệnh nội tiết khác, hoặc do thuốc và hoá chất ... Tăng glucose máu mãn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược các cơ quan của cơ thể.
Khám tầm soát biến chứng bệnh ĐTĐ tại Khoa Xét nghiệm&Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm KSBT tỉnh
Các dạng đái tháo đường:
Đái tháo đường typ 1? ĐTĐ typ 1 là ĐTĐ lệ thuộc insulin (hay gặp ở người trẻ tuổi). Đây là một tình trạng rối loạn chuyển hoá, mà nguyên nhân chính là do tế bào beta của tuyến tuỵ không tổng hợp và tiết đủ insulin, lượng insulin lưu hành trong máu rất ít, nên không thể điều hoà được lượng glucose trong máu. ĐTĐ typ 1 là một bệnh thể nặng, thường xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính, hay gặp sau khi nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, có thể dẫn đến hôn mê.
Đái tháo đường typ 2? Khác với ĐTĐ typ 1, bệnh ĐTĐ typ 2 không lệ thuộc insulin. Bệnh hay gặp ở người cao tuổi, người béo, nữ mắc nhiều hơn nam. Đối với thể bệnh này, insulin do tuyến tuỵ tiết ra có thể đạt được số lượng như người bình thường nhưng lại giảm hoặc không có tác dụng điều hoà lượng glucose trong máu, do có kháng thể kháng insulin chống lại. Đây là thể bệnh phổ biến, có tới hơn 90% số người bị ĐTĐ là thuộc typ 2.
Đái tháo đường khi mang thai? Nguyên nhân do quá trình mang thai, các kích tố giúp duy trì thai kỳ được nhau thai tạo ra. Tuy nhiên những kích tố trên làm khả năng kháng insulin tăng. Vì vậy lượng insulin sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến lượng đường trong máu tăng. Bệnh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và thai nhi nếu không kịp thời chữa trị. Bệnh sẽ hết sau khi sinh con.
Các triệu chứng của ĐTĐ gồm: Dù là ĐTĐ typ 1 hay typ 2 các bệnh nhân đều có các triệu chứng: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sút cân nhiều. Ngoài ra người bệnh còn bị khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc, tăng huyết áp, vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi và rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Mắc bệnh ĐTĐ do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa hoặc do các yếu tố di truyền…Nếu bệnh đái tháo đường không được phát hiện, chữa trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng như: Hạ đường huyết, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mãn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc, bệnh thần kinh ngoại biên …thậm chí tử vong.
Phòng bệnh đái tháo đường: Phần lớn các trường hợp ĐTĐ là đái tháo đường loại 2, có thể phòng ngừa được bằng một lối sống sinh hoạt lành mạnh:
1. Chế độ ăn uống lành mạnh: Việc kiểm soát khẩu phần thường là một khía cạnh quan trọng trong việc ăn uống lành mạnh như: Ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, ăn đủ lượng kali, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật…
2. Không hút thuốc lá: Người hút thuốc có nhiều nguy cơ mắc bệnh đái ĐTĐ cao hơn. Nếu đã nghiện thì lên kế hoạch bỏ hút thuốc ngay. Bỏ thuốc lá là không dễ dàng. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều nguồn tài nguyên hỗ trợ bỏ thuốc.
3. Tránh uống quá nhiều bia rượu: Theo Trường Y tế Công cộng Harvard, uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, uống rượu mức độ vừa phải ở những người đã uống rượu có thể có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh ĐTĐ. Đối với nam giới, không quá hai ly mỗi ngày. Đối với phụ nữ, uống rượu vừa phải là không nhiều hơn một ly mỗi ngày.
4. Tập thể dục: Tập thể dục giúp các tế bào của cơ thể nhạy cảm hơn với insulin và cơ thể sẽ cần ít insulin hơn để điều chỉnh lượng đường trong máu ở mức độ hợp lý. Tham gia hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần rất có hữu ích như: đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy, chơi bóng bàn, bơi, Sử dụng máy tập thể hình elip, khiêu vũ…
5. Duy trì cân nặng chuẩn BMI từ 18-25: Tăng cường tập thể lực và ăn nhiều chất xơ rất có lợi cho sức khỏe đường ruột và giúp kiểm soát cân nặng hợp lý. Ăn nhiều chất xơ giúp giữ lượng đường trong máu và insulin ở mức thấp.
Điều trị đái tháo đường (thuốc):
Điều trị bệnh ĐTĐ hiệu quả cần kết hợp nhiều yếu tố. Dinh dưỡng, tập luyện và thuốc là kiềng 3 chân trong điều trị ĐTĐ.
Thuốc điều trị ĐTĐ có 2 nhóm gồm: thuốc uống và thuốc tiêm; cả 2 nhóm trên đều sẵn có, điều trị cả hai loại đái tháo đường type 1 và type 2. Mỗi loại thuốc đều hoạt động theo những cách khác nhau để giúp kiểm soát lượng đường trong máu trong cơ thể. Khi được chẩn đoán và điều trị, bác sĩ Nội tiết - ĐTĐ sẽ kê loại thuốc phù hợp nhất cho tình trạng đường huyết, các vấn đề sức khỏe và các yếu tố khác (nếu có) cho phù hợp từng người bệnh. Người bệnh, cần tuân thủ điều trị, nhất là việc sử dụng thuốc đều đặn; khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng đường huyết và tầm soát các biến chứng đi kèm.
Ngoài ra, có thể dùng thêm các loại thuốc khác để điều trị các vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến bệnh ĐTĐ như thuốc điều trị mỡ máu cao, thuốc cao huyết áp, các biến chứng.
Phạm Tiến Dũng – TT KSBT