Rửa tay thường xuyên góp phần đề phòng bệnh dịch
Người xưa có câu “Họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào”, câu nói đó rất đúng, bởi vì có rất nhiều loại bệnh lây truyền qua đường thực phẩm hay đường hô hấp, việc rửa tay thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả phòng tả,lỵ, thương hàn… đặc biệt là dịch bệnh COVID-19.
Người xưa có câu “Họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào”, câu nói đó rất đúng, bởi vì có rất nhiều loại bệnh lây truyền qua đường thực phẩm hay đường hô hấp, việc rửa tay thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả phòng tả,lỵ, thương hàn… đặc biệt là dịch bệnh COVID-19.
Rửa tay dưới vòi nước chảy góp phần nâng cao hiệu quả phòng bệnh
Đôi bàn tay giúp con người thuận tiện trong lao động, ăn uống, vệ sinh cá nhân và các hoạt động hàng ngày. Chính vì vậy, đôi bàn tay phải tiếp xúc với nhiều đồ vật, nếu không được rửa tay thường xuyên, đúng cách, vi rút, vi khuẩn có thể bám vào bàn tay, đi vào cơ thể qua đường mũi, miệng và gây bệnh cho cơ thể. Muốn bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình được tốt thì mọi người cần phải nắm được kiến thức và tổ chức thực hành rửa tay đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tránh trường hợp rửa tay qua loa, không đúng cách, sẽ mất đi hiệu quả phòng bệnh.
Đối với đối tượng là trẻ em, thì bản thân người lớn càng phải nắm được kiến thức để truyền đạt, hướng dẫn trẻ nhỏ thực hiện rửa tay thường xuyên, tạo thành thói quen cho trẻ để chủ động bảo vệ sức khỏe của trẻ, vì tương lai, hạnh phúc của gia đình.
Những loại hóa chất thường dùng để rửa tay là xà phòng và các loại chất sát khuẩn đã được Bộ Y tế khuyến cáo. Tuy nhiên phổ biến nhất là sử dụng xà phòng để rửa tay tại các thời điểm như: Trước và sau khi ăn; saukhi đi vệ sinh; trước và sau khi chăm sóc người ốm; sau khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc trang phục của người mắc bệnh truyền nhiễm mà chưa được xử lý tiệt trùng; sau khi chạm vào động vật, thức ăn động vật hoặc cách loại chất thải khác…
Dù là rửa tay bằng xà phòng, hay các loại chất sát khuẩn đều phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với rửa tay bằng xà phòng, là loại phổ biến nhất hiện nay, bao gồm 6 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Làm ướt lòng bàn tay bằng nước, lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà 2 lòng bàn tay với nhau.
Bước 2: Chà bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà hai lòng bàn tay với nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.
Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum với lòng bàn tay).
Bước 5: Chà ngón tay cái của bàn tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái)
Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Sau đó rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
Lưu ý: Trước khi rửa tay cần chuẩn bị nước sạch, xà phòng và khăn hoặc giấy làm khô tay. Trong quá trình rửa tay phải đảm bảo khoảng tối thiểu thời gian là 30 giây cho cả 6 bước rửa tay đúng cách.
Theo bác sỹ Dương Anh Dũng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn cho biết, nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (gọi tắt là CDC) đã chỉ ra rằng, việc rửa tay đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế có thể làm giảm tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy từ 23-40% , giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở người có hệ miễn dịch yếu lên đến khoảng 58%, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp từ 16 – 21%, giảm tỷ lệ trẻ em phải nghỉ học do mắc các bệnh đường tiêu hóa từ 29-57%.
Ngoài ra, việc rửa tay thường xuyên theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế cũng góp phần tịch cực làm giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh cũng như tỷ lệ kháng kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh. Chính vì vậy, mỗi người thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Minh Mạnh – Hoàng Chung
Trung tâm KSBT tỉnh