Chủ động đề phòng lây nhiễm HIV
HIV từ lâu đã được biết đến là tên viết tắt của loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Loại vi rút này lây truyền từ người bệnh sang người lành theo 3 con đường là đường máu, đường tình dục không an toàn và đường lây truyền từ mẹ sang con.
HIV từ lâu đã được biết đến là tên viết tắt của loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Loại vi rút này lây truyền từ người bệnh sang người lành theo 3 con đường là đường máu, đường tình dục không an toàn và đường lây truyền từ mẹ sang con.
Lễ Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 tại thành phố Lạng Sơn
Cho đến ngày nay khoa học vẫn chưa tìm ra được thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì vậy mỗi người trong cộng đồng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên cần nêu cao sự hiểu biết và kỹ năng thực hành dự phòng lây truyền HIV, góp phần hưởng ứng thành hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022 với chủ đề “Chấm dứt đại dịch AIDS – thanh niên sẵn sàng”, đưa Việt Nam từng bước hoàn thành mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Đề hoàn thành mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS, trước hết các địa phương cần hoàn thành và nâng cao mục tiêu 95, 95 và 95. Địa bàn nào hoàn thành rồi thì tiếp tục duy trì và nâng cao thành quả đã đạt được.
Mục tiêu 95, 95, 95 ở đây có nghĩa là: 95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác:
Trong đó mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu hết sức quan trọng, vì chỉ khi biết được tình trạng nhiễm HIV của mình thì mới có thể sớm tiếp cận điều trị và chủ động phòng ngừa lây nhiễm cho người khác.
Thông thường người nhiễm HIV trải qua 3 giai đoạn cơ bản đó là giai đoạn đầu, giai đoạn không có triệu chứng và giai đoạn có triệu chứng. Trong đó giai đoạn đầu hay còn gọi là giai đoạn cửa sổ là dễ lây nhiễm cho người khác nhất vì giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 6 tháng sau khi có hành vi nguy cơ, và có đến 80% người nhiễm ở giai đoạn này hoàn toàn không có biểu hiện gì của bệnh, 20% còn lại chỉ xuất hiện một số biểu hiện nhiễm trùng cấp thường gặp nên rất dễ bị bỏ qua và người bệnh không biết tình trạng mắc bệnh của mình.
Chính vì vậy sau khi có hành vi nguy cơ từ 3 – 6 tháng, mọi người cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc HIV để biết được tình trạng bệnh của mình.
Hiện nay có 2 loại xét nghiệm có thể khẳng định bị nhiễm HIV hay không. Loại thứ nhất là xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV, do đó phải có thời để cơ thể sinh ra kháng thể kháng lại vi rút HIV, thông thường là từ 3 – 6 tháng thì loại xét nghiệm này mới chính xác. Chính vì vậy người có hành vi nguy cơ cao nên làm xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng/lần.
Loại xét nghiệm thứ 2 là tìm vi rút HIV trực tiếp, có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễm HIV sớm. Tuy nhiên phương pháp này không áp dụng rộng rãi, thường được sử dụng xét nghiệm đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HIV.
Tính đến hết ngày 31/10/2022 ghi nhận 3.097 người nhiễm HIV, trong đó 2.891 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 2.154 trường hợp tử vong do AIDS và các bệnh liên quan, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống hiện nay là 737 người, trong đó có 397 nam giới và 340 nữ giới. Tổng số trẻ em nhiễm HIV là 86 trường hợp, trong đó còn sống là 18 trường hợp.
Để góp phần thực hiện thành công chủ đề tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 với chủ đề “Chấm dứt đại dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”. Mỗi người dân, đặc biệt người ở lứa tuổi thanh niên hãy nhiệt tình tham gia các hoạt động hưởng ứng do địa phương phát động, đồng thời tích cực giúp đỡ, động viên người bệnh sống vui, sống khỏe, sống có ích và an toàn cho cộng đồng, vì một tương lai không còn đại dịch AIDS.
Minh Mạnh – TT KSBT