Tăng cường phòng, chống bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác trong mùa tựu trường
Hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm bùng phát lây lan, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng, bạch hầu và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Học sinh tham gia Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
tại Trường Tiểu học Chi Lăng, TP Lạng Sơn
Theo Bộ Y tế đánh giá, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình liêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi trên cả nước đã tăng hơn 8 lần, ho gà tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm 2023 (riêng bệnh sởi đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, trong đó tại TPHCM ghi nhận 500 ca).
Các chuyên gia y tế cho biết: một ca bệnh sởi có thể lây cho 12-18 người với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch và có thể gây tử vong.
Trên đây là những con số đáng lo ngại, dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp có su hướng tăng trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình, cộng đồng và cả nước.
Tại Lạng Sơn, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn (KSBT), từ đầu năm đến 31/8/2024, toàn tỉnh có 05 trường hợp mắc ho gà; 36 trường hợp mắc tay, chân, miệng; 08 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều được phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời, do đó không có bệnh nhân nặng, tử vong do bệnh dịch. Những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm dễ lây lan đều được điều tra, giám sát, xử lý, cách ly nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây truyền dịch bệnh ra cộng đồng. Do đó, so với các địa phương trong nước, tình hình dịch bệnh tại Lạng Sơn đến thời điểm hiện tại được đánh giá tương đối ổn định, được kiểm soát và dự báo kịp thời.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trên toàn quốc diễn biến phức tạp nên không được chủ quan. Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường năm học 2024-2025, cần thực hiện các biện pháp sau:
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế: Trung tâm KSBT đã có công văn đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh khi bước vào năm học mới. bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý;
Hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và phối hợp truyền thông, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế để tăng cường và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Các cơ sở Y tế tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh... Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét kịp thời, đúng lịch cho các nhóm đối tượng; khống chế không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh.
Phạm Tiến Dũng – TT KSBT